image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
Bình Dương phối hợp hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản

Bình Dương phối hợp hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em
    Theo các văn kiện pháp lý quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia và theo luật pháp hiện hành của nước ta, trẻ em có quyền được trợ giúp pháp lý. Trong đó Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành quy định, trẻ em được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý không phụ thuộc vào vai trò tố tụng- có nghĩa là trẻ em là người bị buộc tội, bị hại, là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong các vụ án, khi có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Trung tâm TGPL) và các cơ quan tiến hành tố tụng phải phối hợp cử người thực hiện trợ giúp pháp lý để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em trong các vụ án. Các văn bản pháp luật về tố tụng (Bộ luật tố tụng Dân sự, Bộ luật tố tụng Hình sự, Bộ luật tố tụng Hành chính) cũng đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có trẻ em, nếu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện sẽ vi phạm tố tụng.

hinh so 1 tre em.jpg
Từ những quy định pháp luật nêu trên, để tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan trong công tác hỗ trợ cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục, ngày 28/8/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số số 2470/QĐ-UBND  về Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm TGPL thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em khi có yêu cầu, đặc biệt ưu tiên trợ giúp pháp lý cho trẻ em là bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục. Nhận thấy đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều giải pháp tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và tăng cường sự phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, kịp thời cử người thực hiện trợ giúp pháp lý bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em trong các vụ án như: Tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giam, tạm giữ trong các cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Gắn Bảng thông tin, hộp tin về Trợ giúp pháp lý tại trụ sở làm việc của các cơ quan tiến hành tố tụng; Mở các lớp tập huấn về công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong các hoạt động tố tụng.
hình số 2 trẻ em.png
Chương trình toạ đàm "phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em" của Hội đồng PHLN tỉnh.
     Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng như: Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trên cơ sở quy định của pháp luật và tiếp nhận thông tin tại các Hội nghị triển khai, tập huấn công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng do Sở Tư pháp tổ chức, cũng đã nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong các vụ án, từ đó lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng đã có những chỉ đạo quyết liệt để triển khai, thực hiện nhiệm vụ này trong ngành, cụ thể:
     Công an tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 416 ngày 13/04/2018 về việc yêu cầu Lãnh đạo công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp trong việc tổ chức thực hiện việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giam, tạm giữ; Văn bản chỉ đạo số 146 ngày 12/3/2020 yêu cầu chấn chỉnh việc phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hình sự;
     Viện kiểm sát nhân tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch số 161 ngày 18/09/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc triển khai Thông tư liên tịch 10/2018, trong đó chú trọng việc chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong hoạt động tố tụng có liên quan đến trợ giúp pháp lý để bảo đảm không bỏ sót các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
    Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Thông báo số 681 về Kết luận của Chánh án TAND tỉnh Bình Dương tại cuộc họp giao ban tuần 26/2019, trong đó chỉ đạo Tòa án nhân dân 2 cấp tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng đến khi hoàn thành vụ việc đối với những vụ án bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội chưa đủ 18 tuổi, khi xét xử đủ 18 tuổi mà trước đó người thực hiện TGPL đã tham gia tố tụng; Công văn số 907 ngày 11/8/2022 về việc phối hợp trong công tác TGPL và quán triệt Tòa án nhân dân 02 cấp nghiêm túc thực hiện các nội dung của Kế hoạch phối hợp TGPL, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác trực tiếp phối hợp với Trung tâm TGPL và hướng dẫn các đối tượng thuộc diện TGPL liên hệ Trung tâm TGPL để được TGPL kịp thời.
    Từ sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều thay đổi tích cực, hầu hết người tiến hành tố tụng đã có nhận thức đúng đắn hơn về công tác trợ giúp pháp lý và tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
    Trên cơ sở phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng, Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận và cử người người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 237 trường hợp trẻ em là bị hại trong các vụ án bạo lực và xâm hại tình dục, trong đó có nhiều vụ án được dư luận xã hội quan tâm  như: Sự việc một thanh niên 29 tuổi ở Bình Dương đánh trọng thương một nữ sinh sau va chạm giao thông; Vụ nhóm thanh niên ném bom xăng vào một kiot tại Thành phố Thuận An khiến 2 trẻ em bị bỏng nặng; Vụ cho bé gái đi nhờ xe rồi hãm hiếp tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; Vụ bé gái bị 4 thiếu niên xâm hại ở nhà trọ tại phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên; Vụ người đàn ông bạo hành dã man đứa trẻ 5 tuổi tại phường Bình Chuẩn, thành phố Thuận An; Vụ cha dượng cưỡng bức con riêng của vợ tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An…Và gần đây là vụ bé T.A sinh ngày 30/6/2017 là con gái của chị T.V, sinh năm 1994, hộ khẩu thường trú tại ấp Gia Tỵ, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

hình số 3 trẻ em.jpgNhững vụ án xâm hại trẻ em mà dư luận xã hội quan tâm đã được trợ giúp pháp lý

    Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Bình Dương, vào khoảng 18h, ngày 10/5/2022, bị can Đ.L – quê quán ở Tiền Giang, sống chung nhưng không đăng kí kết hôn với chị C.T – Chị gái của chị T.V mẹ của bé T.A điều khiển xe mô tô từ Cà Mau đến phòng trọ của chị C.T chơi. Sau khi đến nơi, bị can L lên gác ngồi uống bia một mình. Đến khoảng 20h10 phút cùng ngày, chị V dẫn theo con gái là bé T.A đến phòng trọ của chị T để chơi. Lúc này, chị V ngồi chơi cùng Chị T và 3 người cháu, còn cháu T.A lên gác chơi, cách vị trí của bị can L đang ngồi uống bia khoảng 1,5 mét. Do nảy sinh ham muốn tình dục nên L đứng dậy và đi đến ngồi phía bên trái của bé T.A  đồng thời dùng tay trái luồn vào trong váy thực hiện hành vi đồi bại với bé T.A. Do bị đau nên bé khóc to và hành vi đồi bại của bị can L đã bị mẹ bé T.A phát hiện. Đến sáng ngày 11/5/2022, cháu T.A bị đau vùng âm hộ và được mẹ đưa đi khám tại phòng khám nhi khoa Sài Gòn, tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé T.A bị viêm âm hộ. Và theo bản kết luận giám định số 364 ngày 27/5/2022 của Trung tâm pháp y tỉnh Bình Dương thì bị hại T.A bị rách màng trinh, âm đạo có khí hư màu trắng đục. Tại thời điểm bé T.A bị xâm hại tình dục là lúc bé 4 tuổi 11 tháng nên hành vi của bị can Đ.L đã đủ yếu tố cấu thành tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, quy định tại điểm c khoản 3 điều 142 Bộ Luật Hình sự. Trong qua trình thụ lý giải quyết vụ việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho chị V là mẹ bị hại, chị V đã có đơn yêu cầu TGPL gửi đến Trung tâm TGPL tỉnh Bình Dương, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên tham gia bảo vệ cho cháu T.A từ giai đoạn điều tra. Được sự phối hợp của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Trợ giúp viên pháp lý đã nhanh chóng tiếp cận hồ sơ, nắm bắt vụ việc và đã bước đầu tư vấn, hướng dẫn và tạo chỗ dựa tinh thần để chị V mạnh dạn đấu tranh, tố cáo đối tượng Đ.L với Cơ quan Cảnh sát điều tra, để từ đó Cơ quan Cảnh sát điều tra nhanh chóng bắt được hung thủ, kết thúc điều tra vụ án và chuyển vụ án đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xử lý theo quy định pháp luật.
hình số 3 trẻ em.png

Song song với việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em thông qua các vụ việc cụ thể, thời gian qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương còn tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại khu dân cư, trường học cho trẻ em, người chưa thành niên được đẩy mạnh. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều chương trình trợ giúp pháp lý lưu động cho nhiều xã, phường, trường học trên địa bàn với hình thức nói chuyện chuyên đề pháp luật...Đồng thời, tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, trung tâm cũng nhận đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và trực tiếp tư vấn cho trẻ em, người chưa thành niên. Các vụ việc đều được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ được các tình tiết khách quan của vụ án, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo là trẻ em, người chưa thành niên. Trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý đã kết hợp giải thích, hướng dẫn cho trẻ em và gia đình họ về các quy định của pháp luật, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự để họ thực hiện theo hướng có lợi nhất cho con em mình. Đặc biệt, đối với các vụ việc tố tụng mà trẻ em là người bị hại thì trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra các quan điểm bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

hình số 4 trẻ em.png

Chủ tịch Hội đồng PHLN trao Giấy khen cho cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp, thực hiện tợ giúp pháp lý cho trẻ em.
    Với sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Bình Dương và sự phối chặt chẽ giữa Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương và các cơ quan tiến hành tố tụng, thời gian qua, hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em tại tỉnh Bình Dương đã đạt được kết quả nhất định, phát huy hiệu quả chủ động phòng ngừa, nhằm loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, làm giảm tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Chung tay hành động vì trẻ em, nhất là qua các hoạt động giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mà còn góp phần không nhỏ nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

TGVPL. Trọng Tùng 

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0