23/11/2023
Bộ Tư pháp ban hành Công văn số 2788/BTP-PBGDPL ngày 30/7/2018 về thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Sau hơn 01 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg), các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ủy ban nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bổ sung Sở Tư pháp làm thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu cấp tỉnh; tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn, biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về nhiệm vụ này. Việc tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm đầu tiên cơ bản nghiêm túc với 6369/10648 đơn vị cấp xã của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ gần 60% đơn vị cấp xã).
Tuy nhiên, qua theo dõi và nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho thấy nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện; việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số nơi chưa đúng với quy định. Để khắc phục các hạn chế, khó khăn nêu trên và thực hiện nhiệm vụ này thực chất, hiệu quả trong năm 2018, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) quan tâm chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:
1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Công văn số 805/BTP-PBGDPL ngày 14/3/2018 của Bộ Tư pháp về thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018; bảo đảm việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng quy định của Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
2. Phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, công chức theo dõi, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật phù hợp với lĩnh vực được giao quản lý. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Hội đồng đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện và từng thành viên Hội đồng trong rà soát, thẩm định kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp xã.
3. Thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với tất cả các đơn vị cấp xã, không chỉ tập trung đánh giá các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới. Tăng cường quản lý cán bộ, công chức cấp xã không để xảy ra vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra. Chủ động nghiên cứu, hướng dẫn về tài liệu kiểm chứng kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để tạo thuận lợi cho cấp huyện, cấp xã thực hiện.
4. Các đơn vị hành chính cấp xã sau khi thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính hoặc đơn vị hành chính cấp xã có biến động về tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính mà cần thiết phải phân loại lại thì cần được phân loại lại theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để bảo đảm việc đánh giá được công bằng, phù hợp với thực tiễn.
5. Sau khi đánh giá, đề xuất và thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, bảo đảm xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bền vững, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chỉ đạo điểm về mô hình tiếp cận pháp luật tại cơ sở. Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về pháp luật cho người dân tại cơ sở gắn với thực hiện Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
6. Thực hiện việc niêm yết, công bố kết quả cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg.
7. Chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm việc đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực chất, không chạy theo thành tích, phát huy ý nghĩa, vai trò và đạt mục đích trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; định kỳ sơ kết, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở; chấn chỉnh đối với các địa phương tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc.
8. Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn; đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg, phát hiện vướng mắc, bất cập và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện và gửi về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.