Câu hỏi.
“Thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra” trong Luật tiếp cận thông tin được hiểu
như thế nào?
Trả lời: Tại khoản 2
Điều 2 Luật tiếp cận thông tin giải thích nội hàm của “thông tin do cơ quan nhà
nước tạo ra” là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực
hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có
thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản.
Thông thường, trong
quá trình hoạt động, mỗi cơ quan nhà nước có thể tạo ra, nhận được và lưu giữ rất
nhiều loại thông tin chứa đựng trong các hồ sơ, tài liệu. Đó có thể là các tài
liệu do chính cơ quan đó tạo ra, hoặc nhận được từ các cơ quan, tổ chức, cá
nhân khác gửi tới để trao đổi thông tin, yêu cầu giải quyết công việc hoặc để
triển khai thực hiện một nhiệm vụ cụ thể. Để xác định chính xác nội hàm của
khái niệm “thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra”, đồng thời gắn liền với trách
nhiệm bảo đảm thông tin đó thuộc về cơ quan nhà nước và cơ quan đó có trách nhiệm
bảo đảm tính chính xác, chính thức của thông tin do mình tạo ra, Luật khẳng định
thông tin đó là tin, dữ liệu được tạo ra trong quá trình cơ quan nhà nước thực
hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và phải được
người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn
bản. Việc ký, đóng dấu thể hiện rõ hồ sơ, tài liệu, văn bản đó đã được cơ quan
nhà nước cụ thể ban hành chính thức, ví dụ: các quyết định phê duyệt danh mục đầu
tư, kế hoạch, chiến lược đã được ban hành, có ký tên, đóng dấu của cấp có thẩm
quyền.
Ngoài ra, quy định này
còn nhằm phân biệt với các trường hợp thông tin do cơ quan nhà nước trao đổi,
trả lời kiến nghị, hỏi đáp của công dân về một vấn đề cụ thể liên quan tới lĩnh
vực quản lý, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó, ví dụ: nội dung hướng dẫn về
thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, về nhận nuôi con nuôi, về cho
thôi quốc tịch... Đây là trường hợp cơ quan nhà nước trả lời phản ánh, kiến nghị
của công dân và để trả lời được thì cơ quan đó phải nghiên cứu các quy định của
văn bản pháp luật cụ thể và tổng hợp thành nội dung để gửi tới công dân, nội
dung trả lời đó không thuộc nội hàm của khái niệm “thông tin do cơ quan nhà nước
tạo ra” tại Luật tiếp cận thông tin.
Câu hỏi: Thế nào là “tiếp cận thông tin”, “cung cấp thông tin” theo quy
định của Luật tiếp cận thông tin?
Trả
lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật tiếp cận thông tin, tiếp cận thông
tin được hiểu là các biện pháp, phương thức để người dân biết được thông tin
đó, bao gồm đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin.
Theo
quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin được hiểu
là các biện pháp để cơ quan nhà nước chuyển tải thông tin đến người dân, bao gồm
việc cơ quan nhà nước công khai thông tin và cung cấp thông tin theo yêu cầu của
công dân.
Câu
hỏi: Công dân được tiếp cận những thông tin nào của cơ quan nhà nước?
Trả lời: Nhằm tối đa hóa phạm vi thông
tin được tiếp cận cũng như bảo đảm công khai, minh bạch trong các quy định của
Luật, tại Luật tiếp cận thông tin quy định rõ phạm vi các thông tin của cơ quan
nhà nước mà công dân được tiếp cận. Theo đó, tại Điều 5 của Luật quy định, công
dân được tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ thông tin không được tiếp
cận quy định tại Điều 6 của Luật này. Bên cạnh đó, công dân cũng được tiếp cận
có điều kiện đối với những thông tin quy định tại Điều 7 Luật tiếp cận thông
tin.
Quy
định loại trừ thông tin không được tiếp cận xuất phát từ nguyên tắc quyền tiếp
cận thông tin là quyền có giới hạn. Giới hạn quan trọng đối với quyền tiếp cận
thông tin là phạm vi thông tin được tiếp cận. Phạm vi thông tin được tiếp cận
loại trừ các thông tin mà việc cung cấp có thể gây hại đối với các lợi ích quan
trọng mà Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ như thông tin bí mật nhà nước, thông
tin mà việc cung cấp có thể gây nguy hại cho Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc
phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội,
sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của
người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của
cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ...