MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ SỐ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN, THẺ CĂN CƯỚC CỦA CÔNG DÂN
Câu hỏi: Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam được hiểu là?
-
Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số do
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Việt Nam.
- Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam
do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và xác lập cho mỗi công dân Việt
Nam, không lặp lại ở người khác.
- Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam
dùng để cấp thẻ căn cước, khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu
quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành,
trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết
thủ tục hành chính.
- Chính phủ quy định việc xác lập, hủy, xác lập
lại số định danh cá nhân của công dân Việt Nam.
Câu hỏi: Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước bao gồm?
- Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người
từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:
+ Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông
tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ
liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp
thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh
thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2
và 3 Điều 10 của Luật Căn cước;
+ Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng
và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp
thẻ căn cước;
+ Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào
phiếu thu nhận thông tin căn cước;
+ Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;
+ Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy
hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa
điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu
và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.
- Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp
pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn
cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện
như sau:
+ Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp
thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định
danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại
diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên
thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia
hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu
nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;
+ Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng
người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân
dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Luật
Căn cước.
Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi
đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
- Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự,
người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp
pháp hỗ trợ làm thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước.
- Trường hợp từ chối cấp thẻ căn cước thì cơ
quan quản lý căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều 23 Luật Căn
cước.
Câu hỏi: Cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trong các trường hợp nào?
Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
- Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21
của Luật Căn cước;
- Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm,
tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
- Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh
khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định
của pháp luật;
- Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
- Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước
khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
- Xác lập lại số định danh cá nhân;
- Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm:
- Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư
hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật Căn cước;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định
của pháp luật về quốc tịch Việt Nam./.